Võ Thị Phương Anh (21 tuổi) đang học song song tại Trường đại học Kinh tế - luật (UEL) và Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM (UIT). Chỉ mới học năm 2,ươngmặttrẻNữsinhhọcsongngànhcònđượclàmviệctạitậpđoànlớbinhluan Phương Anh đã có cơ hội đảm nhận vị trí Solution Architect (kiến trúc sư giải pháp, đề ra kiến trúc để xây dựng phần mềm) tại Alibaba Cloud thuộc Alibaba Group.
Tự tin hơn nhờ giao lưu, tiếp xúc với nhiều người năng động
“Mình đã đi qua 3 năm lạ kỳ và thú vị. Mình đã chọn sai ngành học rồi chọn lại, biết mình là ai, muốn làm gì. Mình đã thay đổi vỏ bọc nhút nhát và tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn thời sinh viên”, Phương Anh nói.
Năm 2021, khi là tân sinh viên, Phương Anh thấy không gắn bó được với ngành học quản trị kinh doanh nên tự mình tìm hiểu về các chương trình học về công nghệ, cũng như xin thêm tư vấn của anh chị, thầy cô.
Phương Anh dành nhiều tháng tìm hiểu về ngành và đọc những chương trình đào tạo, sau đó quyết định học ngành khoa học máy tính tại UIT. Cùng thời gian đó, Phương Anh biết ở UEL có ngành kinh doanh số bổ trợ cho lĩnh vực mình muốn theo đuổi. Chính vì vậy cô quyết định học song ngành.
Đối với cô sinh viên năm 2, khó khăn lớn nhất của việc học song ngành là sắp xếp thời gian và kế hoạch. Trong thời gian đầu Phương Anh bị rối, mất 2 năm mới dần quen. Khi học 2 trường, Phương Anh chấp nhận sẽ bước chậm hơn, không có xác suất cao giành học bổng. Tuy nhiên, cô vẫn luôn tin rằng chậm mà chắc.
“Có những lúc mình tự thắt nơ lịch trình của mình, tự làm nó rối lên. Sau đó mình lại càng chậm lại, lên kế hoạch cho mọi thứ, giải quyết từ từ. Trong hành trình đó, mình phải có niềm tin, và từ từ cảm nhận rằng mình có thể làm được. Chỉ cần tập trung vào những gì mình đang theo đuổi và kiên trì với nó”, Phương Anh chia sẻ.
Thời điểm mới bắt đầu học song ngành, Phương Anh hay than thở với bạn bè rằng mình mệt mỏi, ngộp thở. May mắn, Phương Anh được nhiều bạn bè động viên để đi tiếp với lựa chọn của mình. Hiện tại, sau 2 năm, Phương Anh đã quen với nhịp độ học tập và làm việc liên tục.
Thời học sinh, Phương Anh là một cô gái nhút nhát, ít tiếp xúc với người xung quanh, cũng không dám xung phong tham gia các hoạt động của trường, lớp. Lên đại học, Phương Anh đã dám trải nghiệm, tiếp cận các kiến thức công việc từ các câu lạc bộ chuyên môn như lập trình, trí tuệ nhân tạo và tham gia các hoạt động ngoại khoá như tình nguyện, hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học...
Khi đặt ra mục tiêu và đạt được, Phương Anh lại có thêm sự tự hào, niềm tin để ngày càng tiến lên. Cô sinh viên tài năng từng được tin tưởng giao cho vị trí Đại sứ She Codes Hackathon 2022 - cuộc thi cho nữ lập trình viên, Đại sứ YEO Việt Nam - tổ chức Định hướng và phát triển tiềm năng trẻ, cộng tác viên Euréka - giải thưởng dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên.
Biết thứ mình yêu thích khiến hành trình vững chắc hơn
Phương Anh bắt đầu "mò mẫm" làm CV (tóm tắt kinh nghiệm) từ khi học THPT, tuy nhiên phải đến khi lên đại học mới thấy đủ vốn để có thể hoàn thiện. Thời điểm đó chưa đủ kinh nghiệm và trải nghiệm, Phương Anh không có nhiều thứ để đưa vào CV, cũng không biết thiết kế, dẫn đến chỗ thiếu, chỗ thừa.
Sau này, trong CV, Phương Anh biết xác định những dự định ngắn hạn và dài hạn trong công việc, đánh giá kỹ năng cá nhân một cách hợp lý. Phương Anh không tự đánh giá năng lực theo thang điểm, chỉ liệt kê những kỹ năng mạnh và liên quan đến vị trí ứng tuyển nhất. Với Phương Anh, thông tin nhiều không bằng chất lượng. Việc đưa ra những thông tin nhà tuyển dụng quan tâm sẽ tạo được ấn tượng tốt.
Trước khi đến với Alibaba Group, Phương Anh hình dung sẽ theo đuổi lĩnh vực điện toán đám mây) và có một lộ trình cho bản thân. Khi chọn nơi làm việc, cô sinh viên tìm nơi chắc chắn có thể cống hiến được nhiều nhất, đảm bảo được cân bằng giữa công việc và đời sống, và tận hưởng niềm vui được làm việc.
Phương Anh từng làm và sửa rất nhiều CV, xin làm một số công việc trước khi đến được Alibaba Cloud. Tháng 3.2023, ngày cô trúng tuyển, nhân sự quản lý đã nói chọn Phương Anh vì cảm nhận sự cố gắng nhiều nhất. “Cố gắng hết mình” cũng là kim chỉ nam của Phương Anh trên hành trình của mình.
Alibaba Cloud là một trong những công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn trên thế giới, có môi trường làm việc chuyên nghiệp và giúp Phương Anh phát triển nhiều. Khi đi làm, Phương Anh chấp nhận gác lại một số hoạt động tình nguyện, những câu lạc bộ chuyên môn về trí tuệ nhân tạo, lập trình, nghiên cứu khoa học… Nhưng cô vẫn sẵn sàng tham gia chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của mình cho bất cứ ai cần thêm sự hỗ trợ.
“Được đi làm ở công ty mình yêu thích tạo cho mình bàn đạp để ngày càng tiến lên. Có được và mất, nhưng mình thấy ổn với tất cả sự đánh đổi đó. Mình được kết nối với những người tuyệt vời, tham gia các buổi talkshow, truyền cảm hứng cho những bạn trẻ”, Phương Anh khẳng định.