Quy luật cho tất cả
Trong cuốn tiểu thuyết Bieguni,áchhayChẳngcuộctrôinàolàvôtìnhhếnhi đồng 2 những người không ngừng chuyển động, nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel Văn chương 2018 - Olga Tokarczuk đã viết về một tôn giáo hư cấu tên là Bieguni, tổ hợp từ bieg(chạy) và ucieczka(chạy trốn). Đó là những người chế ngự cái ác bằng việc chuyển động. Theo đó, họ luôn dịch chuyển dẫu là đứng yên, bởi "kẻ ngự trị thế giới sẽ không thể làm chủ được chuyển động và hắn biết trong chuyển động thân thể chúng ta là thiêng liêng, chỉ khi chuyển động thì mới trốn được khỏi hắn. Còn hắn sẽ cai trị những thứ bất động và tê liệt, cai trị những thứ thụ động và trì trệ".
Từ đó bà đặt câu hỏi con người thời nay có điểm gì chung với các tín đồ của Bieguni? Và Trôicủa Nguyễn Ngọc Tư như lời đáp trả cho câu hỏi đó. Quen thuộc với độc giả qua con người, câu chuyện và phương ngữ miền tây Nam bộ, thế nhưng trong tác phẩm mới, với độ mở của cõi nhân sinh, có một Nguyễn Ngọc Tư đã toàn cầu hóa, đã phổ quát hóa văn chương của mình. Nhân vật trong tập truyện này đến từ nhiều nơi, làm đủ mọi nghề và có những định mệnh riêng. Thế nhưng trong một khoảnh khắc giao nhau nào đó, số phận của họ lướt qua đời nhau và cũng từ đó câu chuyện bắt đầu.
Việc trôi của một con người có thể là những dịch chuyển vi mô của nội quan (một tiếng ợ) hoặc vĩ mô (như lịch sử). Nó cũng có thể vô hình (như ký ức) hay hữu hình (như lục bình). Nó khả thể giải thích (phân tách địa chất) hoặc bất khả lý giải… Tận dụng tính chất đặc biệt của thể loại truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư đã mang đến những lát cắt đa dạng, từ đó lý giải cho sự tập hợp và rồi xa cách của tất cả mọi thứ trên cuộc đời này. Có thể thấy trong tập truyện này, tác giả đã rất lưu ý đến những điểm "giao", để bản thân nó cũng là trôi nổi đúng với quy luật.
Chẳng hạn 3 truyện Mơ người, Giữa đây và kia, Bên cửacó sự tiếp nối về mặt nhân vật, khiến họ đi suốt một câu chuyện chung dù cho nội dung hoàn toàn độc lập. Hay Khởi đầu của gió cũng chứa đựng nhân vật Lụt, vốn từng xuất hiện trong tập Cố định một đám mây trước đó. Những bước đệm này tạo ra không gian tiếp nối, mà càng dấn bước thì sự liên kết sẽ càng mở ra một cách liên tục.
Trôicũng có thể được xem như là ngọn nguồn lý giải cho các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Trong các tác phẩm, độc giả vẫn thường trực thấy những chuyện gần như phi lý hay là nực cười. Chẳng hạn trong tập truyện này, có một cặp vợ chồng vì đổ bánh xèo trên máy bay để rồi bị bắt, với một lý do không ai ngờ đến (Lửa nguội giữa trời). Ngoài ra cũng có một người gần như phi thực, khi có thể nghe thấy âm thanh ở tần số cao, nhưng lại khó chịu với các tiếng động gần với đời thường (Đói xa xôi)… Tất cả mọi thứ đều khởi phát từ sự trôi nổi ấy, để ta hiểu rằng "Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời".
Nhận thức về thực tại
Rất nhiều nhân vật trong tác phẩm này ẩn chứa trong mình những dịch chuyển riêng. Đó là năng lượng sinh ra từ chuyển động của ký ức, khi bản thân họ không thể kháng cự lại được tiềm thức. Chẳng hạn trong Mưa diệp lục, nhân vật "thợ sửa ký ức" dù cố thế nào cũng không thể xóa hình ảnh người mẹ đã mất cho cháu ngoại mình. Hay trong Giữa vật chất này, dù người đàn ông suốt cuộc đời mình không hề bước chân ra khỏi nhà, thế nhưng ký ức và những truy vấn hướng về nguồn cội sẽ luôn dằn vặt trong bản thân ông, từ đó hình thành một sự vận động nội sinh, khiến ông cũng đang trôi nổi trong dòng thời gian, trong không gian khác…
Ngoài ký ức ra thì những di truyền mang tính huyết thống cũng là một thứ khiến con người ta tự ám thị mình. Nó đã cũng bắt nguồn từ thuở sơ sinh, từ những vật chất cấu hình nên ta, để rồi dần dần trở thành nguyên thủy, thành thứ bản năng có sẵn ở đó. Đó là người đàn ông suốt cuộc đời gắn liền với võng, vì khi còn là bào thai, mẹ ông đã nằm trên đó và đu đưa ông (Đong đưa trong kén). Hay trong truyện khác là món nợ ba đời vốn chỉ dựa vào một bức chúc thư (Nợ). Nó cũng có khi được rèn giũa từ ảnh hưởng cuộc sống, để cả 3 người đàn ông ít nhiều không có máu mủ cùng nhau chia sẻ thói quen kỳ lạ: "ngắm thật lâu những người ngủ sâu, ta có thể nhìn thấy giấc mơ của họ"…
Từ 2 điều trên có thể thấy rằng dẫu khi đứng yên về mặt vật lý, thì vẫn có thứ gì đó trong bản thân ta luôn luôn chuyển động, Thế nhưng đến với sau cuối, liệu rằng ta nên đứng yên (một cách vang dội) hay là thuận theo những sự chuyển động (dẫu phải xa nhau)? Trong bài tiểu luận Điêu khắc tượng và dân du mục được lấy cảm hứng từ chuyến du hành Iran, nhà văn người Ý - Italo Calvino đã từng trăn trở về vấn đề này, khi ông bắt gặp một đoàn du mục và những bia đá xuất hiện cùng nhau.
Ông viết: "Nếu phải lựa chọn giữa hai cách tồn tại, tôi sẽ phải cân nhắc cái ưu và khuyết điểm của chúng trong một thời gian dài: Hoặc sống chỉ để lại dấu ấn không thể xóa nhòa, biến bản thân thành hình bóng được chạm khắc trên trang sách bằng đá, hoặc sống bằng cách đồng nhất theo chu kỳ của các mùa, sự phát triển của cỏ và bụi cây, với nhịp điệu của những năm tháng không thể dừng lại bởi vì nó theo vòng quay của mặt trời và trăng sao […] Dù bằng cách nào, có điều gì đó kìm hãm tôi lại: Tôi không thể tìm thấy khoảng trống để chen vào và gia nhập vào đám đông này. Chỉ một ý nghĩ khiến tôi cảm thấy thư thái: những tấm thảm".
Điều quan trọng nhất, như Calvino nói, là hiểu cái đang hiện diện. Bởi ta luôn không thể nhìn thấy một cách toàn cảnh dù cố đến đâu, và bản thân ta sẽ luôn là một điểm nhỏ trong dòng trôi nổi. Kết thúc tập truyện với Về phía không đâu, Nguyễn Ngọc Tư cũng khẳng định: "Đức tin vừa quay trở lại, tái xác nhận bản thân lần nữa, dứt khoát, không thể nào khác, mình thuộc về xứ không đâu". Hiểu được điều đó, họ sẽ có dịp nhìn vào trong mình. Một tập truyện ngắn đánh dấu sự thay đổi phong cách của Nguyễn Ngọc Tư, ấn tượng và chứa đầy khoảng trống suy ngẫm.
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, hiện sống và viết ở Cà Mau. Bà là tác giả của nhiều tạp văn, tản văn, tập truyện, tiểu thuyết như Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận, Yêu người ngóng núi, Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, Giao thừa, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Sông, Đảo, Đong tấm lòng, Không ai qua sông, Gáy người thì lạnh, Khói trời lộng lẫy, Hành lý hư vô, Hong tay khói lạnh, Trôi.